Đây là một thứ cà phê mà chúng ta chỉ có nghe nói đến mà thôi, chớ ít có ai biết mùi vị thật sự của nó ra sao. Tại một số tiệm cà phê bên nhà, đôi khi họ nói có bán cà phê cứt chồn nhưng đó chẳng qua là một lối quảng cáo mà thôi. Tại hải ngoại, cà phê cứt chồn Kopi Luwak nhập cảng trực tiếp từ Indonesia được thấy bán tại một số tiệm cà phê cao cấp đặc biệt là vùng California. Giá bán lẻ cũng phải $10 cho một tách...
Hiện nay, trên thế giới Indonesia là quốc gia chuyên sản xuất cà phê cứt chồn Kopi Luwak (tiếng Indonesia, Kopi là cà phê, Luwak là chồn).
Sumatra, Java, Bali và Sulawesi là những vùng của Indonesia được nhắc nhở nhiều về cà phê cứt chồn. Tại những nơi nầy, các giống cà phê như Robusta và Arabica được trồng rất nhiều. Những cánh rừng hoang du sầm uất bao phủ các bán đảo Indonesia cũng là nơi sinh sống của một loại chồn mà có người còn gọi là cầy hương (palm civet, musang, toddy cat) và có tên khoa học là paradoxurus hermaphroditus. Về đêm, loài cầy hương thường đi tìm các trái cà phê thật chín cây để ăn. Chúng chỉ ăn lớp ngoài của trái cà phê và nuốt luôn tất cả hạt vào trong bụng. Trong đường tiêu hóa, hạt cà phê bị các enzymes làm cho lên men và tạo cho chúng một hương vị đặc biệt.
Theo thiển ý riêng của người viết, loài vật nầy nhờ có những hạch xạ hương quanh vùng hậu môn (perineal glands) nên có thể đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc tạo cho cà phê cứt chồn có một mùi vị thật đặc biệt. Hạt cà phê sau đó theo phân ra ngoài từng khúm và được nông dân thu lượm, đem rửa, phơi khô rồi bán lại cho các công ty cà phê để họ xấy bán trên thị trường quốc tế...Philippines cũng có sản xuất cà phê cứt chồn mà họ gọi là Kape Alamid…
Vài năm trước đây, Gs Massimo Marcone, University of Guelph Canada, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về cà phê cứt chồn Kopi Luwak. Ông ta nhận thấy cà phê Kopi Luwak nhờ được rang (roasted) ở nhiệt độ cao 249 độ C nên bị nhiễm rất ít vi khuẩn đường ruột. Mùi vị của cà phê Kopi Luwak cũng rất đặc biệt có một không hai. Gs M. Marcone kết luận quả thật có sự khác biệt rất nhiều về hương vị, màu sắc và đặc biệt là hàm lượng protein trong hạt cà phê cứt chồn đã bị enzymes phân hủy đi rất nhiều làm cho bớt tính đắng.
Nói tóm lại, phần đông người tiêu thụ mua cà phê cứt chồn vì hiếu kỳ và nhất là vì tính chất huyền bí của nó chớ không nhất thiết là để tìm cái hương vị tuyệt vời của cà phê (People are buying this product for the mystique, not necessarily for the flavour). Theo Chris Rubin, một dân sành điệu cà phê đã tán tụng cà phê Kopi Luwak bằng những lời lẽ như sau:...The aroma is rich and strong, and the coffee is incredibly full bodied, almost syrupy. It’s thick with a hint of chocolate, and lingers on the tongue with a long, clean aftertaste. It’s definitely one of the most interesting and usual cups I’ve ever had...
Theo kỹ nghệ cà phê cho biết, thì cả thế giới mỗi năm chỉ có thể sản xuất được vào khoảng từ 200 đến 300kg cà phê cứt chồn thứ thiệt mà thôi.
(Jacque Thibeau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét